Chương 13 : tác giả Nguyễn Nhật Ánh
Xuyến nói với Cúc
Hương:
- Bây giờ tao mới
biết tại sao trước nay
thầy Gia không đi xem
văn nghệ chung với tụi
mình.
Cúc Hương gật gù:
- Ừ, ngay hồi đó tao
cũng đã nghi thầy là...
thầy rồi !
- Xạo đi mày !
- Thì xạo chứ sao !
Xuyến hừ mũi:
- Dẹp mày đi ! Bây
giờ tao đố mày nếu tụi
mình nhờ mua vé xem
văn nghệ nữa, thầy Gia
có mua không?
Cúc Hương ngẫm
nghĩ một lát rồi đáp:
- Tao không biết.
Theo mày thì sao?
- Theo tao thì thầy
không mua.
- Tại sao?
- Thì tại hồi đó khác
bây giờ khác chứ sao!
Hồi đó là bạn bè, còn
bây giờ là thầy trò. Trò
thì đâu có được quyền
sai thầy!
Thục ngồi nghe nãy
giờ, buột miệng nói:
- Chưa chắc !
Xuyến ngó Thục:
- Sao mày biết?
Thục nghinh mặt:
- Chứ sao mày biết
không mua?
Cúc Hương giảng
hòa:
- Thôi, đừng cãi nữa!
Bây giờ lên gặp thầy
nhờ mua vé là biết liền!
Anh đang ngồi chấm
bài bỗng thấy ba cô gái
lại gần.
- Thưa thầy... -
Xuyến ngập ngừng.
Anh ngừng tay, hỏi:
- Gì đó, Xuyến?
Xuyến cười cầu tài:
- Dạ tụi em nhờ thầy
mua giùm... mấy vé hát
ạ.
- Các cô định xem cái
gì đó?
- Dạ, xem đoàn kịch
nói Hà Nội ạ.
Cúc Hương hỏi xen
vào:
- Được không thầy?
- Được cái gì?
Cúc Hương ấp úng:
- Thầy có định... mua
giùm cho tụi em không?
Anh bật cười:
- Sao lại không mua?
Cúc Hương thở phào:
- Vậy mà...
Thấy Cúc Hương
ngưng bặt, anh hỏi:
- Vậy mà sao?
Cúc Hương liếc
Xuyến, thấy nó trợn
mắt nên không dám
mở miệng, chỉ cười giả
lả. Nhìn bộ tịch của các
cô gái, anh biết ngay:
- Vậy mà các cô
tưởng tôi không mua
giùm vé cho các cô chứ
gì !
Ba cô gái đứng im,
mặt đỏ bừng.
Anh chép miệng:
- Không những mua
giùm cho các cô mà các
cô hỏi trong lớp có ai
định đi xem không, tôi
mua giùm luôn cho.
Thục ngập ngừng hỏi:
- Thầy có đi chung
với tụi em không ạ?
- Để xem. Có thể tôi
sẽ đi.
Anh nói vậy và lần đó
anh cùng với Xuyến,
Thục và Cúc Hương đi
xem kịch. Nói chính xác,
cùng đi với anh hôm đó
có khoảng mười hai học
sinh. Từ đó về sau, mỗi
lần có chương trình văn
nghệ nào lý thú, anh
thường tổ chức cho cả
lớp đi xem. Những lần
như vậy, anh cảm thấy
tâm hồn mình hội nhập
thoải mái với các em và
càng ngày giữa anh và
học trò như càng được
gắn bó bởi một sợi dây
thân thiết vô hình. Và
anh cứ muốn nó bền
chặt mãi mãi.
Hùng quăn nằm lỳ ở
nhà Sơn sún.
Sơn sún cùng học
chung trường với Hùng
quăn nhưng khác lớp.
Và cũng như Hùng quăn,
nó đi học bữa đực bữa
cái.
Mấy hôm nay, thấy
Hùng quăn nghỉ học liền
tù tì, Sơn sún ngạc
nhiên hỏi:
- Bộ tính bỏ học luôn
hả?
Hùng quăn không trả
lời thẳng câu hỏi của
bạn. Nó chỉ nhún vai:
- Chán quá!
Sơn sún cười hì hì:
- Thất tình chứ gì?
- Bậy!
- Đừng có giấu tao!
Mày bị con Cúc Hương
đá, ai mà không biết!
Hùng quăn phẩy tay:
- Chuyện đó tao coi
như rác! Con Cúc Hương
chẳng ảnh hưởng đến
tao.
Sơn sún tò mò:
- Chứ mày chán
chuyện gì?
Hùng quăn thở dài:
- Thì chuyện gia đình.
Sơn sún phun nước
bọt:
- Dẹp mẹ chuyện gia
đình đi! Coi như không
có! Hùng quăn ngồi im.
Lát sau, nó buồn bã nói:
- Tao định về quê ở
với ba tao!
- Sức mấy ba mày
chịu! Ba mày muốn mày
đi học ở thành phố kia
mà!
Hùng quăn tặc lưỡi:
- Nhưng chuyện học
hành của tao bị kẹt rồi.
Sơn sún nhíu mày:
- Mày nói gì tao
không hiểu. Sao kẹt?
Hùng quăn ậm ừ:
- Kẹt... thằng cha giáo
viên chủ nhiệm lớp tao.
- Ông thầy mới về
thế cô Lan đó hả?
- Ừ.
- Ông này mới đổi về
đâu có biết mày?
- Biết. Hôm trước
thằng cha bị tao ném bể
đầu chính là... ông thầy
này.
Sơn sún la hoảng:
- Vậy thì chết mẹ!
Hùng quăn chán
ngán:
- Thì chết chứ sao!
Sơn sún mím môi:
- Ổng làm gì mày rồi?
- Chưa làm gì hết.
Nghe nói ổng làm chủ
nhiệm lớp tao là tao
chuồn liền.
Sơn sún nhìn thẳng
vô mặt Hùng quăn:
- Giờ mày tính sao?
Hùng quăn nhăn nhó:
- Tính quái gì nữa!
Tao nghỉ học luôn!
- Không được! Ngu gì
bỏ học! Để tao gặp ổng
nói chuyện phải trái! Tao
sẽ làm áp lực với ổng!
Hùng quăn lắc đầu:
- Không ăn thua gì
đâu mày ơi!
Sơn sún phẩy tay:
- Mày cứ để tao!
Nói xong, Sơn sún
hăm hở bước ra khỏi
nhà.
Hùng quăn nhìn theo
bạn, lòng hoang mang
vô cùng. Nó không biết
khi gặp thầy Gia, Sơn sẽ
ăn nói thế nào và có xảy
ra điều gì đáng tiếc
không. Nó nhớ lại
chuyện chọi đá của mình
hôm trước, lòng cứ day
dứt mãi. Suy cho cùng,
hành động sai lầm đó
chẳng giải quyết được
gì, trái lại càng làm cho
nó cảm thấy bế tắc
hơn.
Ngồi nghĩ ngợi miên
man, Hùng quăn không
nhìn thấy một người
đàn ông vừa bước vào
nhà.
Ông ta đứng lặng
nhìn Hùng quăn mấy
giây rồi kêu khẽ:
- Hùng!
Hùng quăn giật mình
ngó lên và vội vàng
phóng lại ôm chầm
người mới đến. Nó kêu
lên bằng một giọng
mừng rỡ pha lẫn xúc
động:
- Ba! Ba lên hồi nào
vậy?
Ba nó ngồi xuống
ghế, thở ra:
- Ba mới lên tức thì
và đi thẳng lại đây ngay.
- Sao ba biết con ở
đây?
- Thầy Gia cho ba địa
chỉ.
Hùng quăn ngạc
nhiên:
- Ba gặp thầy Gia ở
đâu?
- Thầy xuống Bến
Tre tìm ba! - Ba nó thở
dài - Thầy có nói cho con
biết tình cảnh hiện nay
của con.
Hùng quăn tự dưng
cảm thấy mủi lòng. Nó
nhìn xuống đất, cố kiềm
chế những giọt nước
mắt .
Ba nó bùi ngùi hỏi:
- Con không định về
nhà sao?
- Không! - Hùng quăn
đáp bằng một giọng
buồn bã nhưng không
kém phần cương quyết
- Con không về đó nữa
đâu!
Ba nó im lặng một lát
rồi dịu giọng:
- Thôi, được rồi! Con
sẽ về ở với ba.
Hùng quăn chỉ đợi có
vậy. Mấy tháng nay, nó
luôn mong thoát khỏi
cảnh sống hiện nay. Nó
ngước nhìn ba bằng ánh
mắt long lanh. Chợt nhớ
đến Sơn sún, nó vội
vàng hỏi:
- Thầy Gia về thành
phố từ hồi nào, ba?
- Thầy mới lên cùng
với ba.
Hùng quăn thở phào.
Như vậy Sơn sún sẽ
không gặp được thầy.
Thật may! Nó lại hỏi,
giọng ngập ngừng:
- Thầy có nói gì về
con không?
- Thì thầy nói là hiện
nay con sống ở nhà bạn
bè.
- Chỉ vậy thôi?
- Ừ, chỉ vậy thôi! Mà
sao con lại hỏi như vậy?
Hùng quăn bối rối:
- Dạ không có gì đâu
ba.
Như vậy là thầy đã
bỏ qua hành động càn
rỡ của nó. Không những
thầy không "hại" nó mà
còn tìm hiểu hoàn cảnh
của nó và cất công
xuống tận dưới quê để
kêu ba nó lên.
Thầy thật tốt. Chỉ
tiếc là nó chưa học thầy
được một ngày nào. Và
sắp sửa nó phải chia
tay thầy để về Bến Tre.
Hùng quăn càng nghĩ
càng buồn.
Hôm sau, ba Hùng
quăn dắt nó đến
trường.
Anh đang ngồi trong
văn phòng chờ trống vô
lớp thì thấy hai cha con
bước vào.
Ba Hùng quăn chưa
kịp chào anh đã hỏi:
- Hôm nay em Hùng
đi học lại hả bác?
- Dạ không ạ. Hôm
nay tôi tới xin thầy cho
em nó rút hồ sơ về
dưới quê học.
Anh trố mắt:
- Ủa, sao bác không
cho em ở lại đây học
tiếp?
Ba Hùng quăn tặc
lưỡi:
- Dạ, tôi tính đem nó
về dưới với tôi. Học trên
này thì biết ở đâu.
- Chứ bác không có
bà con họ hàng gì trên
này sao?
- Dạ, không. Bà con
tôi ở hết dưới quê. Hồi
trước tôi lên đây một
mình lập nghiệp.
Anh nhìn Hùng quăn.
Từ nãy đến giờ nó ngồi
thu lu một góc, mắt
nhìn vẩn vơ bên ngoài
cửa sổ. Khuôn mặt nó
đã mất hẳn vẻ dữ tợn,
thay vào đó là một sự
đăm chiêu lặng lẽ. Cách
ăn mặc của nó trông
cũng gọn gàng hơn
những lần anh gặp
trước đây. Anh muốn
bắt chuyện với nó
nhưng sợ nó ngượng,
bèn thôi.
Sau một lúc đắn đo,
anh nói với ba Hùng
quăn:
- Hay là... như thế
này. Tôi đề nghị bác để
cho em Hùng ở đây với
tôi. Đem về dưới quê
sợ việc học tập của em
bị dở dang. Đợi đến kết
thúc năm học, bác hẵng
đón em về.
Ba Hùng quăn giãy
nảy:
- Ấy chết! Nó ở với
thầy làm sao được!
Thầy còn có gia đình, lại
còn dạy học dạy hành!
Anh mỉm cười:
- Không sao đâu! Bác
đừng lo! Tôi hiện nay
sống một mình. Thêm
em Hùng lại càng vui.
Còn chuyện dạy học thì
đâu có sao! - chung, tôi
còn có dịp kèm thêm
cho em. Tôi đã nghĩ kỹ
rồi.
Ba Hùng quăn có vẻ
xiêu lòng. Ông ta quay
sang Hùng quăn:
- Thầy nói vậy, con
thấy sao?
Hùng quăn bối rối:
- Dạ, con không dám
ạ. Vả lại trước đây con
lỡ...
Biết Hùng quăn định
nhắc chuyện cũ, anh vội
vàng xua tay:
- Thôi, chuyện cũ em
nhắc lại làm gì! Ai lại
chẳng có lần nông nổi...
Hùng quăn định nói gì
đó nhưng bất giác nó
cảm thấy như bị một
cục gì chẹn ngang cổ
họng. Nó ấp úng một hồi
rồi lí nhí nói:
- Em xinlỗi thầy!
Tiếng nói của nó
nghe như những tiếng
nức nở khiến ba nó
đứng nhìn sững, không
hiểu đầu cua tai nheo ra
làm sao.